Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

Trở Về Việt Nam (4)


Truyện kể của Lu Hà phần 4

Trở về Việt Nam bỗng dưng tôi được phong lên một bậc giai cấp, trong lúc Việt Nam bị Hoa Kỳ cấm vận, đàn anh Liên Xô bị sa lầy tại chiến trường Afganistan ở trung nam Á, bị kiệt quệ trong cuộc chạy đua chiến tranh giữa các vì sao với ông Ronald Reagan chỉ còn đủ sức tắc tế cứu đói cho Việt Nam bằng những hạt bo bo vốn cho gia súc ăn. Đàn em Việt Nam cũng bị sa lầy ở Căm Pu Chia, dù cho có diệt được Khơ Me Đỏ con đẻ của Tàu, có vơ vét được hàng tấn vàng, rồi cũng phải nộp lại cho đại ca Nga Ba La Tư, lại bị Đặng Tiểu Bình trở mặt dạy cho một bài học, nền kinh tế bao cấp đang thoi thóp chết dần. Tôi ở Đông Đức mới về coi như mình tự lên một bậc giai cấp. Tôi từ một ngã nhà quê ba linh thôn chuyên mặc quần thắt dải dút trễ rốn bỗng thoắt trở thành một con người hào hoa phong nhã.


Mẹ tôi kể lể về cô em dâu hụt vốn là sinh viên trường cao đẳng mỹ thuật công nghiệp ở đường Đê La Thành. Khi em tôi chưa đi bộ đội còn ở nhà cua được cô em này, mẹ cho hẳn một căn buồng có rèm che tha hồ mà ân ái. Em vốn là người cùng quê Phú Thọ. Em về Hà nội học không có nhà trọ, nên yêu em trai tôi để có chỗ vừa ăn vừa ở vừa khụ khị toàn là miễn phí. Mẹ tôi cũng sẵn có tiền của tôi từ Đức gửi về nên mẹ rất hào phóng, bao luôn cho cả cô con dâu hờ xinh đẹp này. Nhưng khi em tôi đi lính cô ta vẫn ở đó chiều tối lại phấn son lòe loẹt lượn lờ với chàng trai khác. Mẹ tôi vốn dĩ người nhà quê bản chất thật thà, ghen tuông thay cho con trai mà đuổi cổ ra khỏi nhà, lại điện cho em trai tôi cấp tốc về nhà giải quyết gấp việc gia đình... Thằng em tôi lại lật đật xin phép đơn vị cho về phép hai ba ngày vì việc nhà. Tôi nghe chuyện cũng bật phải phì cười. Mẹ tôi là một người rất đẹp, răng mẹ nhuộm đen nhánh như những hạt na đều đặn. Tôi thấy mẹ không bao giờ đánh răng, nhưng mẹ còn hơn cả ông Mao Trạch Đông bởi mẹ ăn trầu, mẹ hay dùng bã trầu kì cọ răng nên chẳng cần học tập anh hùng Lôi Phong của Tàu phải nhặt bàn chải đánh răng người ta vất ra thùng rác, mang về dùng lại để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước trầu không từ 3 hợp chất lá trầu không, hạt cau và vôi tôi tạo ra thứ nước thơm nồng diệt vi khuẩn và bảo vệ men răng rất tốt. Nên tôi không hề thấy mẹ kêu đau răng, các hàm răng đều khít laị không như răng ông Mao và ông thủ tướng Phạm Văn Đồng có hàm răng cài mả. Sinh thời bác sĩ riêng có lời khuyên: Xin Mao Chủ Tịch nên đánh răng. Nhưng ông Mao hỏi lại:
- Con hổ có bao giờ đánh răng không nhưng nó vẫn khỏe mạnh?
 Ý Mao tự ví mình như loài Hổ. Nhưng ông Mao quên mất loài hổ còn biết giả vờ chết nhe răng ra phơi nắng để chim sẻ sà xuống móc thịt từ kẽ răng cho. Còn ông Mao lại không biết nhe răng như loài hổ, ông lại phát động chiến dịch diệt hết chim sẻ để bảo vệ mùa màng tăng sản lượng thóc lúa. Ông diệt được chim sẻ  nhưng ông lại không diệt được sâu bọ phá hoại mùa màng và chính sâu bọ cào cào châu chấu lại là món ăn khoái khẩu nhất của bầy chim sẻ.

Tôi lại nhớ ngày mẹ làm cấp dưỡng ở Cầu Diễn. Có anh lái xe đổ thùng hỏi mẹ tôi: Chị nuôi ơi! Bữa trưa nay ăn gì?
-Mẹ tôi bảo: Có món thịt trâu kho tàu và canh rau cải, ngon lắm chú ạ
Bỗng có cô y tá đi qua mới nói đùa:
-Anh Long sướng nhé, lái xe đổ thùng cho công ty bữa trưa nay lại có món thịt trâu kho, tha hồ mà ăn về nhà lấy tăm xỉa răng cũng đủ bỏ đầy vào niêu nấu cho vợ con ăn lại cũng đủ no.
Anh chàng này vốn răng cài mả lại thưa như ông Mao ông Đồng vậy. Nhà tôi ai cũng thật thà chất phác bản chất nhà quê, nói năng bốp chát thẳng ruột ngựa, ruột để ngoài da. Trừ bố và tôi là loại người ranh mãnh, mưu mô thủ đoạn thâm hiểm không biết đâu mà lường nhưng tôi còn cao thủ hơn bố tôi rất nhiều lần vẻ bên ngoài tỏ ra ngây ngô chân chất, thật thà như đếm, bên trong tôi sẵn sàng dùng mưu lừa kẻ nào muốn hại tôi vào cạm bẫy dễ như chơi. Nhưng tôi lại mang tâm Phật ít tung chiêu ra để lừa đảo ai, mưu hại ai. Mà lại là kẻ trọng nghĩa khinh tài cứu khổn phò nguy là học theo nhân vật Tống Công Minh Tống Giang và Võ Tòng trong chuyện Thủy Hử mà tôi ham đọc từ nhỏ.

Thằng em kế tôi ở với mẹ từ nhỏ nó cũng nhiễm tính thật thà ngay thẳng như mẹ đúng ra nên gọi là bầm theo tiếng  địa phương miền rừng núi trung du Bắc Bộ. Nhưng tôi ra ở Hà nội vài năm bị lai căng hóa mà gọi là mẹ, trong Nam gọi là má cũng rất hay. Khi tôi còn ở với ông bà thì nghe đồn ở Hà Nội thằng em tôi, nó là tay hòm chìa khóa của mẹ. Mẹ hay đưa tiền cho nó đi chợ mua thức ăn, số tiền còn thừa nó đều mang về giao nộp lại đầy đủ. Sau này nó cũng có một thời gian đua đòi đàn đúm theo một tay giang hồ anh chị bỏ nhà đi biền biệt vì cãi cọ với bố tôi. Bố tôi  lo nghĩ nhớ con mà xuýt nữa mất mạng. Có lần đi xe đạp trên đường phố một chiếc xe tải lao tới tuýt còi inh ỏi và bố tôi vốn dĩ là một võ quan được đào tạo bên Tàu, nên phản xạ mới nhanh như chớp lăn mấy vòng mới thoát nạn. Bản chất nó dù sao cũng là thật thà: có lần nó bị người ta mồi chài mua một cái dây chuyền bằng vàng, nó tưởng thật hám của mua liền nhưng nó cầm trên tay lưỡng lự vàng gì mà nhẹ thế mới đuổi theo ngã kia nạt nộ: Hãy trả lại tiền ngay, mày lừa tao? Không tao đánh cho hộc máu ra ngay bên giờ. Sau này anh em có dịp gặp nhau bên Đức theo con đường xuất khẩu lao động. Tôi được bố viết thư báo tin, nên mừng lắm bươn tàu đi Erfurt đón nó về Schwerin chơi. Nó nhìn ra xa hai bên đường hỏi tôi: Anh ơi sao lại có những ngôi nhà gỗ lúp xúp vuông vắn đẹp thế?
 -Tôi cười bảo: Đây là khu tập thể dành cho những người lùn không cao không quá 80 cm. Nhà nước quan tâm ưu tiên họ lắm, nên cho ở đó để sánh vai  với các sắc dân khác cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực chất là nơi nghỉ tạm của những khu vườn  trồng rau, hoa quả mà thôi. Nhưng nó cũng tin là như vậy. Cộng hòa dân chủ Đức đúng là thiên đường còn có cả một khu tập thể dành cho những gia đình thấp lùn. Họ nhân đạo hơn hẳn tụi phát xít Đức ngày xưa. Chả bù cho tôi khi ở với ông bà nội, tôi rình mò và biết bà hay có tiền xu bỏ ống rồi giắt lên mái bếp. Tôi hay lén lút mở nút lá chuối khô dốc vội ra vài xu để đi mua kẹo. Bà tôi cứ tiết kiệm hoài mà ống tiền xu không bao giờ đầy mới lạ.

Tôi về nước được một 3 tuần thì nhận được lá thư người em gái từ Đức gửi sang. Tôi đọc thư mà rơm rớm nước mắt, thương cả cho bà mẹ và bà ngoại vô cùng. Cô mong mỏi có ngày tôi trở lại Đức, tôi bâng khuâng lấy băng cát sét ra nghe giọng nói của em và cả bà mẹ. Bố tôi tủm tỉm cười: Tao tiên đoán trước sau mày sẽ là công dân Đức. Rồi bỗng nhiên nhà tôi có khách quý. Hai chị em nhà anh Toàn vốn trước là lính của bố tôi. Một buổi bố tôi lợp mái ngói nhà anh Toàn thì M là em vợ anh ở dưới đưa ngói cho bố tôi. Bố tôi thấy em kháu khỉnh xinh tươi mới nói đùa: Thôi cháu làm con dâu bác đi… Và sau này tí nữa là em làm vợ tôi thật.

Chừng hơn 3 tháng sau tôi tìm mấy đứa cùng học và cả lớp sau cũng vừa mới về để hỏi tin tức bao giờ hòm sẽ về bến cảng Hải Phòng? Tại đây tôi gặp con Dung. Thằng Quốc và thằng Tuấn thấy lương tâm có điều còn cẳn rứt mới hỏi con Dung về N trước mặt tôi. Con Dung trả lời: Chị N thề suốt đời sẽ không lấy chồng nữa… Rồi nó nhìn về phía tôi hỏi: Chị N muốn gặp anh ở Hải Phòng, nếu khi ra nhận hàng, anh muốn thì chị ấy đợi anh. Chị ấy bảo: Nếu anh không thích thì thôi.  Mấy đứa lớp sau trố mắt ngạc nhiên tại sao lại còn dính dáng đến tôi, hơn 3 năm ở bên đó chẳng thấy quan hệ gì?

Tôi trả lời ngay không do dự:  Gặp làm gì cho rách chuyện, hãy quên đi. Nhắn lại rằng: thằng này sắp cưới vợ rồi

8.7.2019 Lu Hà











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét