Y Đức Hai Họ Mộng Bào
cảm xúc thơ Nguyễn Đình Chiểu bài 30
“Kê đơn thuốc lắm tiền đủ vị
Khinh kẻ nghèo thần trí vật vờ
Coi qua con bệnh xác xơ
Thiếu tiền bỏ mặc bơ vơ linh hồn
Sách y thư bảo tồn nòi giống
Bệnh phong lao kèn trống điêu linh
Gặp may thày thuốc tận tình
Kịp thời chữa chạy chúng sinh đền nghì
Tiền trả trước phong bì biếu xén
Thuốc giả kê bỏn xẻn ít nhiều
Lọc lừa chẩn trị lắm chiêu
Coi thường mạng sống đủ điều sai ngoa
Bậc lương y kê toa bắt mạch
Cốt cứu người ân trạch cho không
Nhớ câu:” Y tích âm công”
Thuốc châm môi cọp mắt rồng tổ xưa
Bệnh dịch hạch chẳng chừa ai cả
Từ vua quan vương bá công thần
Lan tràn đoạt mạng thứ dân
Đại phu bốc thuốc xa gần ngóng trông
Nước trong nguồn mênh mông trời biển
Lòng mẹ hiền thánh thiện chân như
Quán âm bồ tát nhân từ
Lương y trọng trách thiên tư cam lồ
Biết bao kẻ tham ô hủ bại
Tàn sát dân thuốc sái điêu ngoa
U mê tăm tối mù lòa
Độc quyền thống trị vác loa tuyên truyền
Y thuật cao thuốc tiên cứu mạng
Đạo lương y tỏ rạng đến nay
Ngư tiều may mắn lắm thay
Nhập Môn chỉ bảo chuyên tay thạo nghề
Khoa châm cứu mọi bề sáng tỏ
Khắp toàn thân vạch rõ chân kim
Tinh tường huyệt đạo nổi chìm
Gặp người mỡ béo phải tìm cho ra
Ngư nhà đạo thiết tha cứu độ
Tiếng của thày đây đó chẳng hư
Dồi dào phúc đức có dư
Nghìn năm bia đá công tư vẹn toàn
Tiều cảm kích hân hoan học thuật
Kỳ Nhân Sư đáng mặt tôn sư
Nhập Môn âm chất không từ
Đạo lành công đức thực hư giãi bày
Cõi người ta đắng cay thân thế
Kẻ giàu thương đốt khế nợ lâu
Người già bạc trắng mái đầu
Canh gà xao xác dãi dầu tuyết sương
Lúa nhập kho luân thường phát chẩn
Cứu đói người lận đận khổ đau
Nhường cơm sẻ áo cho nhau
Thí quan thí dược trước sau trọn lòng.“
Quán âm bồ tát: Quán Thế Âm nghĩa là "Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian" là một vị Bồ-tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Được miêu tả trong nhiều nền văn hóa khác nhau, cả thân nam lẫn thân nữ, Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ-tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo Phẩm Phổ môn trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sở dĩ ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ nạn, mỗi khi chúng sanh bị khổ ách, nguy cấp liền nhất tâm niệm danh hiệu của bồ tát, ngài liền quán xét âm thanh đó, lập tức cứu họ thoát khỏi tai ách.
Y Đức Hai Họ Mộng Bào
cảm xúc thơ Nguyễn Đình Chiểu bài 31
“Tiều than thở xuôi dòng thời cuộc
Cánh chim di thân thuộc giống nòi
Phận bèo nhân phẩm trọng coi
Đại phu bốc thuốc mặn mòi quê hương
Giúp mai táng thê lương cố quốc
Vợ chôn chồng bạc phước hầu non
Bạn bè làng xóm héo hon
Chia phần tang tóc đàn con đói nghèo
Biết bao nhiêu gian neo cảnh ngộ
Án dân oan thống khổ phũ phàng
Ngẫm câu: ” xuất tội hoạt hàng”
Ra tay cứu nạn mọi đàng lợi sinh
Hận ngút trời điêu linh xã hội
Hôn quân kia tội lỗi gây ra
Triều đình hủ bại quan nha
Cường hào ác bá sơn hà nhượng Kim
Đất U, Yên đắm chìm năm tháng
Chúa Liêu kia trác táng điêu ngoa
Dân đen giọt lệ nhạt nhòa
Tấn vương quỳ mọp thềm hoa tiệc tùng
Nghề thày thuốc hang cùng ngõ hẻm
Chữa ngọng đui chẳng kém tiền nhân
Nhân Sư nổi tiếng xa gần
Tinh thông y thuật muôn dân cậy nhờ
Câu” vi thiện” bùn nhơ chẳng ngại
Khắc bia son quan tái gốc trời
Đạo con hiếu thuận muôn nơi
Thảo nhờ cha mẹ tình người vấn vương
Thầy Tăng Tử yêu thương phụ mẫu
Học Chu Công dấu chú mọi đằng
Noi gương Văn Vũ Thành Thang
Sớm khuya thăm hỏi lầu trang mặn mà“
Tăng Tử tên thật là Tăng Sâm tự Tử Dư, người Nam Vũ thành, nước Lỗ (nay là huyện Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông), là học trò xuất sắc của Khổng Tử. Tăng Sâm nhỏ hơn Khổng Tử 46 tuổi. Ông là một người chí hiếu với cha mẹ, người đời sau liệt ông vào một trong "Nhị thập tứ hiếu" nghĩa là hai mươi tư tấm gương hiếu thảo vì truyền thuyết mẹ ông khi cắn ngón tay mà ông động lòng. Tăng Tử kế thừa và phát triển thêm tư tưởng của Khổng Tử, tư tưởng của Tăng Tử đề cao chữ hiếu, tín. Ông thường nói:
-"Mỗi ngày ta xét thân ta ba việc: Nhận làm thay người ta việc gì, ta có thực tâm làm không? Cùng với bè bạn giao ước điều gì, ta có thất tín không? Thầy dạy ta những gì, ta có nghiên cứu học tập không?
Ông làm ra sách Đại học gồm 10 thiên và là một trong Tứ thư của Nho gia. Học trò của Tăng Sâm là Khổng Cấp, cùng Nhan Hồi, Mạnh Tử và chính ông là Tứ phối của Nho gia, cũng là đại biểu xuất sắc của phái Nho gia. Khổng Cấp hay Tử Tư làm ra sách Trung Dung trong Tứ thư (cùng với Luận Ngữ, Đại Học, Mạnh Tử).
Có lần bà mẹ đánh ông, ông khóc nức nở. Ngạc nhiên bà mẹ dừng roi và hỏi: --“Sao từ trước đến nay ta đánh chẳng bao giờ con khóc mà hôm nay con lại khóc?“
Thưa mẹ:
- “Mấy lần trước con đau nên biết mẹ còn khỏe nay con không thấy đau nữa nên thương mẹ đã già yếu.“
Ông thật là người con chí hiếu!
Chu Công tên thật là Cơ Đán còn gọi là Thúc Đán , Chu Đán hay Chu Văn công. Ông là công thần khai quốc nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công giúp Chu Vũ vương Cơ Phát lập ra nhà Chu, giành quyền thống trị từ tay nhà Thương.
Sau khi Chu Vũ Vương chết, Cơ Đán đã giúp Tân vương là Chu Thành vương xây dựng và phát triển nhà Chu. Hình ảnh của ông tiêu biểu cho tấm lòng trung quân phò chúa, không sinh dị tâm, thường được hậu thế về sau nhắc đến cùng với Y Doãn nhà Thương. Nhà Chu dưới sự nhiếp chính của ông đã vươn lên thành một nước mạnh mẽ, tạo tiền đề cho công cuộc xây dựng nên nền văn minh China rực rỡ về sau. Công lao to lớn của Cơ Đán với sự phát triển của văn minh China (Tàu) khiến người ta gọi ông bằng chức vụ là Chu Công, quên đi cái tên Cơ Đán, khiến cho nhiều người lầm tưởng Chu Công là tên thật của ông.
“Học họ Ngu gian tà né tránh
Chuyện trăm nhà hiển hách biết bao
Tiếng thơm công đức dồi dào
Con lành cháu thảo tự hào tổ tông
Hai mươi bốn thảo trồng gieo cấy
Lấy âm công nhờ cậy gốc nho
Sách tra Vĩnh loại nhiều pho
Thể nhân vị lục học trò anh minh
Ngư hỏi việc bất bình chế độ
Bầy quan tham quốc khố chia nhau
Giả vờ từ thiện làm màu
Cúng tiên thờ Phật cửa sau lạy tiền
Xây chùa to đảo điên miếu mạo
Khói nhang đèn lếu láo ê a
Làm chay hát bội thí ra
Oan gia trái chủ vịt gà đầu heo
Nhập Môn cười chó mèo xương xẩu
Bầy xướng ca cánh hẩu dễ hư
So câu: “ tích thiện hữu dư”
Cho vay một vốn lợi từ mười phân.“
Họ Ngu là một triều đại bán sơ khai của người Tàu trong thời kỳ Thiện nhượng, sau nhà Đường và trước nhà Hạ
Hữu Ngu: tên một quốc gia bộ lạc từng tồn tại suốt từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc
Nước Ngu: tên một nước chư hầu nhà Chu, Chu Vũ Vương phân phong cho Cơ Trọng (hậu duệ Ngô Thái Bá), đời Xuân Thu bị Tấn Hiến Công tiêu diệt cùng điển tích "mượn đường phạt Quắc" nổi tiếng.