Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Tuổi Ấu Thơ (2)


Truyện kể của Lu Hà phần 2

Thế là hai mẹ con tôi về ở với ông bà nội, căn nhà gỗ 5 gian rộng thênh thang, nhà ngang rất dài hơn cả căn lớn, cả ngôi nhà theo hình chữ T, căn lớn mé tường phía nam là cái giường gỗ của bà nội tôi, mé tường phía bắc là cái giường của ông tôi, gữa nhà là bàn thờ tổ tiên hướng về phía đông, mẹ con tôi được thu xếp cho ở nhà ngang. Tôi nhớ lúc đó có phong trào tổ đổi công, mẹ tôi người nhỏ sức vóc yếu ớt lại là con gái ông Lý Trưởng trong làng, từ nhỏ được nuông chiều không phải lao động làm việc vất vả, nhưng khi về làm dâu nhà họ Nguyễn thì cả một vấn đề nan giải. Bởi vì thời phong kiến, ông Lý tức ông ngoại tôi muốn kén một chàng rể con nhà gia giáo có học vấn để thay ông chức lý trưởng trong làng. Bố tôi là một chàng trai tướng mạo uy nghi  là con trai cả của cụ đồ lại vừa mới đậu xong sơ học yếu lược về chữ quốc ngữ, chữ nho cũng được học đôi chút. Mẹ tôi cũng háo hức muốn được làm bà Lý nên mới thuận lấy bố tôi. Nhưng thời thế đổi thay, bố tôi lại theo lời khuyên của ông nội tôi mà đi làm lính vệ quốc đoàn sau này còn có tên gọi là bộ đội.


Khi mùa gặt đến mẹ tôi cũng phải ra đồng gánh lúa, người ta sức vóc dẻo dai một ngày gánh được mấy chuyến, còn mẹ tôi chỉ có một chuyến cũng không xong, chiều tối cũng không thấy về, ông tôi phải đốt đuốc đi đón. Bà nội tôi giận lắm mắng cho như tát nước vào mặt, chê là lười biếng. Trong khi đó bố tôi lại đóng quân ở một tỉnh miền núi phải lòng một cô gái người dân tộc mường, có ý định lấy vợ hai. Ông tôi phải hết sức can gián, hãy nhìn ông tôi là một tấm gương hai vợ mà khổ sở vô cùng.

Mẹ tôi tuy đã có tôi là nguồn an ủi, vừa bị chồng ở xa lơ là, lại bị mẹ chồng đối xử cay nghiệt, nên uất ức hận đời, rêu rao thuê người hái lá ngón để tự tử. Tôi nhớ cảnh ngộ ngày đó thật là thê lương, mới 5 tuổi trời nắng chang chang như đổ lửa theo mẹ về bên nhà ngoại, dì S tôi cứ phải chạy theo an ủi khuyên giải chị hoài. Tôi cứ lầm lũi mím môi lẽo đẽo theo mẹ, ngơ ngác chả hiểu vì sao mà mẹ lại khóc lóc như mưa như gió? Mới ngày nào còn ở xóm 2 vui như thế, có con Thu là bạn. Chi ều tối nào khi gà lên chuồng dưới ánh đèn dầu hỏa mẹ lại chắp tay diễn kịch cho tôi xem, hình những con ngỗng, con chó, con mèo in trên tường… Bỗng dưng lại vật vã khóc lóc thật là thảm thiết? Thế nhưng tôi  lại ngây ngô vào hùa với bà nội, nghe lời bà nội mắng nhiếc mẹ, gọi mẹ là con T lười biếng. Tôi cứ bi bô: Thôi bà cháu mình đi ngủ đi, mặc con T nó mu ốn đi đâu thì đi, rồi nó cũng phải về…Đáng lý ra bà phải dạy cháu không được gọi mẹ là con T, nhưng bà tôi lại hởi lòng hởi dạ mang lời tôi ra để khoe khoang, kể lể với mọi người, nào là thằng Hà nó nói như thể như thế, nó khôn thật.

Trong họa có phúc, Bố tôi không đóng quân ở miền núi nữa lại được về làm huấn luận viên ở trường sĩ quan lục quân Sơn Tây. Ông tôi rất cao tay khuyên mẹ con tôi đi thăm bố tôi, và mẹ tôi được ở một căn phòng phía bên ngoài gọi là chiêu đãi sở, còn riêng tôi được ngủ cùng giường với bố ở căn nhà dành cho các sĩ quan. Bố con tôi được ăn theo tiêu chuẩn tiểu táo, nhớ ngày bố đưa tôi ra căng tin mua bát, vì không có bát nhỏ nên đành phải mua cái bát ô tô to tướng. Lính tráng và các sĩ quan trong nhà ăn thấy một thằng bé bụ bẫm, kháu khỉnh theo bố đi ăn mang theo cái bát to tướng, gấp đôi cái bát sắt bình thường ai nhìn cũng phải cười. Có chú chống tay xuống đất nhìn cả bước chân tôi đi và bảo dáng đi của tôi rất giống bố tôi.

Tôi được bố dạy cho học bảng chữ cái a, b, c. Có con bé xinh xằn cũng con cán bộ giảng viên nó thấy tôi đọc ê a, nó ngồi sát bên tôi chỉ cho tôi cách viết chữ a, bố tôi và các chú nhìn hai đứa trẻ học cứ tủm tỉm cười hoài, còn tôi thì ngượng toát mồ hôi.

Cứ cuối tuần bố tôi lại dùng xe đạp đưa tôi ra khu chiêu đãi sở thăm mẹ tôi. Cũng chả biết từ lúc nào mẹ tôi lại mang bầu và mẹ tôi lại khăn gói quả mướp trở về nhà ông bà nội, còn riêng tôi vẫn ở với bố cho đến khi nào khai giảng lớp học vỡ lòng mới đưa về giao cho ông bà nội và mẹ tôi nuôi tiếp.

Ở trong trường sĩ quan suốt ngày tôi cứ lang thang thơ thẩn các khu nhà tập thể của các học viên, hay xem chú họa sĩ vẽ hình vào các tấm kính, bố tôi dành cho chú một căn phòng để vẽ đủ các tấm kính cắt nhỏ hình vuông, đủ mực màu, bút lông. Chú vẽ những tấm hình bộ đội luyện tập, các tranh cổ động tuyên truyền. Tôi háo hức chờ vào những buổi chiêu cuối tuần để được xem phim, tôi chỉ thích xem tranh của chú họa sĩ chiếu lên thôi từ những tấm kính, còn phim bộ dài dằng dặc tôi không thích.

Rồi bỗng nhiên có một chú bộ đội mang cho tôi một cái giỏ tre, trong đó có con chim sẻ để chơi. Tôi yêu quý con chim lắm, tối đi ngủ phải đặt cái giỏ tre dưới chân giường mới yên tâm. Hàng ngày tôi cứ tha thẩn cái giỏ tre, và thỉnh thoảng lại lôi con chim ra ngắm nghía, dùng một sợi dây buộc chân nó lại, còn tay tôi nắm chặt đầu dây, tôi dùng cơm cho nó ăn, hay bắt cào cào bón cho nó, tôi sợ nó đói. Rồi khi không có cơm, thì tôi lại ngớ ngẩn cắt một miếng xà phòng nhỏ bỏ vào miệng nó, thấy mỏ nó sùi bọt ra, tôi không hiểu tại sao và nó lăn quay ra chết, tôi buồn lắm tiếc ngẩn ngơ. Con chim sẻ bé nhỏ đáng yêu của tôi đã chết rồi. Thế nhưng đến nay khi viết những dòng chuyện kể về thời thơ ấu này tôi không khỏi tủm tỉm cười hoài vì hiện nay có những kẻ to đầu mà con ngu dại gấp trăm gấp vạn lần tôi, họ là những thứ trưởng bộ trưởng giám đốc còn phát biểu chất thải formosa chôn dấu trong vườn để nuôi bò, tăng sản lượng thịt sữa, là nguyên liệu quý để chế  biến trong các ngành công nghiệp thực phẩm tiêu dùng. Các ông ấy to đầu mà còn ngu hơn cả tôi một đứa trẻ lên 5 tuổi.

Mất con chim sẻ tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ và tôi đã nghĩ ra một mẹo nhỏ, tôi để cái giỏ tre giữa sân trường sĩ quan dưới trời nắng, tôi dải cơm gạo xung quanh cái giỏ và trong giỏ và đứng xa rình xem có con chim nào chui vào giỏ không? Để lao tới dùng đôi bàn tay bé nhỏ của tôi chụp lên trên. Quả thật đàn chim sà xuống rất đông, nhưng chúng rất tinh khôn, không con nào chịu chui vào cái bẫy đơn sơ của tôi.

Thế rồi vào một buổi sáng bố tôi dùng vải bọc lên khung chiếc xe đạp, cho tôi ngồi phía trước chứ không để ngồi phía sau nữa, rút kinh nghiệm một lần tôi lại thấy mỏi, tê  bàn chân đút luôn vào bánh xe xưng tấy lên, chảy cả máu bôi thuốc đỏ mãi mới khỏi. Hai bố con dời khỏi trường sĩ quan lục quân để ra bến xe Sơn Tây. Tôi thấy rất thú vị dưới màn sương lờ mờ buổi sáng, những hàng cây hai  bên đường như biết chạy giật lùi cả về phía sau. Từ xe đã nghe thấy tiếng một bà quẩy đôi gánh rao: Bánh mỳ ba tê nóng dòn đây. Bố tôi dừng xe và mua cho tôi một chiếc, xe lại tiếp tục lăn bánh ra bến xe. Bánh mỳ kẹp một miếng thịt sắt vuông thành sắt cạnh, trông rất ngon mắt, tôi nghĩ nó là khúc giò, tại sao lại gọi là ba tê, tôi chẳng biết.

Ra bến xe bố bảo tôi trông xe để bố mua vé, nhưng mãi không thấy bố lại, tôi sợ quá vội đi tim, những cái áo mưa đại cán chùm kín từ đầu đến chân, cao lớn không biết ai là bố tôi, rất giống nhau nhìn về phía sau lưng. Cuối cùng lại chính bố tôi đi tim tôi; chỉ là một đứa trẻ lạc lõng giữa hàng chục hàng trăm binh lính sĩ quan nên dễ tìm ra. Hai bố con lên xe khách về Hà Nội, rồi lại đáp tàu về quê ở tỉnh Phú Thọ. Ông bà nội tôi, mẹ tôi thấy tôi mừng lắm. Tôi thấy mẹ tôi lặc lè cái bụng to tướng, bà tôi bảo mẹ mày sắp sinh em bé.

Mẹ tôi đến ngày sinh em bé, tôi ở dưới bếp tò mò nhìn lên thấy mẹ quằn quại kêu gào vì đau đớn lắm, rồi thấy bà đỡ lôi ra một em bé với đống nhau thai sổ ra. Ngày hôm sau tôi sang nhà bà ngoại chơi khoe với các bá các dì, mẹ cháu sinh em bé rồi và cả một đống ruột, mọi người phấn khởi và cũng phải phì cười vì tôi lầm tưởng nhau thai là ruột người.  Không biết tên goi em bé do ông hay bà hay bố tôi đặt cho. Cả nhà gọi nó là thằng H. Coi thế là tạm ổn, bố tôi đã có hai thằng con trai, và cũng hết mơ mộng với cô gái người dân tộc mường nào đó nữa.

5.6.2019 Lu Hà




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét